Thế Lữ (6 tháng 10 năm 1907 - 3 tháng 6 năm 1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định[1]. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa "người khách đi qua trần thế" lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành "Lê ngã", "ta" cũng tức là "ngã".
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn - Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận[3]. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha)[4]. Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ đẻ của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.
Thế Lữ học chữ Nho khi lên 8 tuổi, học chữ Quốc ngữ khi lên 10. Sau khi anh trai mất, ông được quay trở về Hải Phòng ở với mẹ. Ở Hải Phòng, ông học tư với cha của Vũ Đình Quý, người bạn thân đầu tiên của ông. Ít lâu sau, ông xin vào học lớp Đồng ấu của trường Pháp Việt (Ecole communale) mới mở ở Ngõ Nghè. Năm 1924, ông thi đỗ Sơ học (cepfi), sau đó ốm một năm. Khi đó, mới 17 tuổi, Thế Lữ đã lập gia đình với Nguyễn Thị Khương, người vợ hơn ông 2 tuổi.
Năm 1925, ông vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, học được 3 năm thì bỏ. Những năm học Thành chung, ông chịu tác động từ tinh thần yêu nước của giới học sinh, qua báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về, cũng như từ những thầy giáo như Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo[8]. Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh ở Hải Phòng. Theo Nguyễn Đình Thi, thì đến năm 1930, khi Hội Thanh niên chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Thế Lữ dù tán thành đường lối của Đảng, nhưng do gia đình theo Công giáo nên không thể gia nhập.
Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cũng chỉ một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường[1][8]. Ở trường mỹ thuật, ông chơi thân nhất với những bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc; cùng với Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn... tổ chức một salon littéraire, chuyên thảo luận về văn học.
Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, với những truyện đầu tiên ghi lại những gì ông nghe thấy khi ở Lạng Sơn. Được sự khuyến khích của Vũ Đình Liên, Thế Lữ đã gửi các tác phẩm đầu tay của mình cho Nhà xuất bản Tân Dân, ký thêm bút danh tưởng tượng "Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ" nhằm thu hút sự chú ý. Hai cuốn Một truyện báo thù ghê gớm và Tiếng hú hồn của mụ Ké sau được Vũ Đình Long khen ngợi và cho in ra, điều này cũng đã khuyến khích Thế Lữ rời bỏ trường Mỹ thuật. Một nguyên nhân khác nữa bởi ông bị lao, tuy nhiên sau đó được chữa khỏi bệnh. Từ bỏ con đường hội họa, Thế Lữ bước hẳn sang hoạt động sáng tác văn chương.
Thế Lữ lập gia đình khi mới 17 tuổi với người vợ đầu tên thật Nguyễn Thị Khương, hơn ông hai tuổi. Hai vợ chồng đã có bốn người con, ba trai một gái, đặt tên lần lượt là: Nghi, Tâm, Học, Tùng. Năm 1954, vợ và ba người con sau đã di cư vào miền Nam và sau này mãi đến năm 1979 gia đình Thế Lữ mới đoàn tụ. Người con cả tên Nguyễn Đình Nghi (1928-2001), từng tham gia kháng chiến cùng cha, được cha trực tiếp truyền nghề sân khấu. Nguyễn Đình Nghi ở lại miền Bắc, về sau trở thành một đạo diễn sân khấu nổi tiếng và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1988. Con dâu cả của Thế Lữ, vợ của Nguyễn Đình Nghi - nghệ sĩ ưu tú Mỹ Dung cũng là một diễn viên kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Người vợ thứ hai của Thế Lữ, Song Kim (1913-2008), tên thật Phạm Thị Nghĩa, kết hôn với ông vào cuối năm 1938. Bà say mê sân khấu từ bé, tình cờ làm quen với Thế Lữ và được ông mời đóng vai đầu tiên trong vở Gái không chồng (Đoàn Phú Tứ. Trở thành người bạn đời của Thế Lữ, bà đã gắn bó với ông trong nhiều thập niên sau đó. Sự nghiệp của Song Kim cũng gắn với hoạt động sân khấu của Thế Lữ, được Thế Lữ dìu dắt, bà đã đóng nhiều vai trong các vở kịch do Thế Lữ đạo diễn. Song Kim là một trong những diễn viên tiêu biểu của sân khấu kịch nói Việt Nam thời kỳ đầu, và cùng với Thế Lữ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngay trong đợt đầu tiên. Theo Nguyễn Khoa Điềm, những đồng nghiệp của Song Kim - Thế Lữ đã gọi hai vợ chồng bà là "hai thỏi vàng hiếm hoi, quí giá".
Thế Lữ đã ra mắt khoảng hơn 50 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trước năm 1945 và in trên hai tờ Phong hóa và Ngày nay, sau tập hợp vào hai tập thơ: Mấy vần thơ (1935) và Mấy vần thơ, tập mới (1941, gồm tập thơ cũ được bổ sung thêm một số bài mới). Tập thơ đầu, Mấy vần thơ được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới thời kỳ 1932-1935, với những bài được phổ biến rộng rãi thời kỳ đó. Bảy bài trong tập thơ đã được đưa vào hợp tuyển thơ Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân, gồm có Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng.
Như bút danh "người khách đi qua trần thế" của mình, Thế Lữ được xem là người đầu tiên đề xướng con đường thoát ly bằng nghệ thuật, công khai tuyên bô chỉ đi tìm cái Đẹp. Thơ ông thể hiện niềm say mê với cái Đẹp, đi tìm cái Đẹp ở mọi nơi, ở âm thanh (Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Tiếng gọi bên sông)và cảnh sắc thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Thế Lữ là một thiên nhiên của "một không gian tươi đẹp, rộng mở, rộn ràng sắc màu và thanh âm", là "những bức tranh lộng lẫy và huyền ảo, có khi hùng vĩ uy nghi, có khi thơ mộng bí ẩn". Nhiều bài thơ của Thế Lữ thể hiện hình ảnh cõi tiên, với tiên nga, ngọc nữ, tiếng sáo Thiên Thai, hạc trắng hoa đào... Hoài Thanh nhận định: "Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp đến thế"; tuy nhiên ông cũng cho rằng Thế Lữ đã đi nhầm đường, bởi "thi nhân tưởng quê mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp của trần gian". Vũ Ngọc Phan không tán thành với Hoài Thanh, ông cho rằng cái đẹp tưởng tượng kia của Thế Lữ một ngày nào đó có thể trở thành cái đẹp có thực nơi trần thế. Thơ Thế Lữ cũng thể hiện cảm hứng dồi dào với nghệ thuật và với nàng Thơ, mà theo Uyên Thao, nghệ thuật đã là "một phần cuộc sống", "một người bạn tâm giao" hay được ông coi như "một người yêu" của chính mình.
Nhiều sáng tác thơ của Thế Lữ cũng về đề tài tình yêu. Tình yêu trong thơ Thế Lữ thường thiên về thanh cao, mộng ảo, chứ không say đắm yêu đương hay buông tuồng như các bài thơ mới sau này. Theo Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ không hề có những niềm say mê trong tình yêu. Ông chỉ đi tìm người con gái trong mộng tưởng, vẻ đẹp của người thiếu nữ ấy chợt xuất hiện, thoảng qua và chợt biến mất "như những khoảnh khắc mê say chợt đến". Thơ Thế Lữ thiếu đi cái xúc động, cái mãnh liệt của ái ân đôi lứa như trong thơ của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Theo Hoàng Như Mai, tình yêu trong thơ Thế Lữ không phải để cứu cánh mà là để làm nền để vẽ nên cái Đẹp; ông đã dựng nên nhiều kiểu tình yêu "tiêu cực": mơ hồ, mộng tưởng, vô vọng, đau khổ... Dù vậy, ông không ca ngợi cái đẹp của tình yêu vô vọng đau khổ, mà tìm thấy ở đó những khoảng đẹp của niềm hy vọng, sự hy sinh...
Theo Nguyễn Hoành Khung, thơ Thế Lữ thể hiện "cái tôi" muốn thoát ly với xã hội; ở một số bài thơ (Người phóng đãng, Con người vơ vẩn, Tự trào...), ông tạo dựng hình ảnh một kiểu người tài tử, bất hòa với xã hội, chán ghét cuộc sống trưởng giả, sống ngông nghênh, cô độc và kiêu hãnh. Thơ Thế Lữ nói lên khát khao được sống tự do, thoát khỏi tù túng để đến với thế giới bao la hơn. Bài thơ Nhớ rừng mượn lời con hổ trong vườn bách thảo, được xem là đã diễn tả tâm sự của một lớp người đang đau khổ trong cuộc sống "bị nhục nhằn tù hãm", chán ghét thực tại tầm thường giả dối, nhưng bất lực và chỉ biết chìm đắm vào dĩ vãng oai hùng, thể hiện tư tưởng giải phóng cá nhân và khát vọng tự do; bài Tiếng hát bên sông lại có hình ảnh người "khách chinh phu" dũng cảm gạt tình riêng ra đi trong lúc "non sông mờ cát bụi", thể hiện những ưu ái về thời thế và đất nước của Thế Lữ. Dù muốn thoát ly, nhưng cái tôi của Thế Lữ trong Mấy vần thơ vẫn buồn, chân trời thoát ly còn chưa được mở ra hết. Sau này, trong Mấy vần thơ, tập mới (1941), Thế Lữ đã rơi vào bế tắc, ông làm thơ Trụy lạc, Ma túy, "biểu lộ tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, buông mình trong trụy lạc để tìm quên lãng, nhưng vẫn không nguôi dằn vặt, đau khổ".
Sau khi qua đời, Thế Lữ tiếp tục được ghi nhận như một nghệ sĩ tiên phong, đặc biệt có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới và là "người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta trở thành chuyên nghiệp và có công xây dựng nó trở thành một nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh". Trong lời truy điệu dành cho Thế Lữ, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức phát biểu:
“ Thế Lữ là một trong những người đầu tiên đã đưa kịch nói lên sân khấu Việt Nam. Ông cũng là nhà đạo diễn số một, đầu tiên ở nước ta, là người đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp... Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là Người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam. ”
Ông đã được dựng tượng đặt ở chính giữa Nhà truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam, có tiền thân là Đoàn Kịch nói Trung ương do ông sáng lập. Năm 2001, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu cho hai tác phẩm Cụ đạo, sự ông và Đề Thám, hai vở kịch được ông sáng tác và biểu diễn trong những năm kháng chiến.
Thế Lữ đã được đặt tên cho một số đường phố ở Đà Nẵng, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định[1]. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa "người khách đi qua trần thế" lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành "Lê ngã", "ta" cũng tức là "ngã".
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn - Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận[3]. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha)[4]. Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ đẻ của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.
Thế Lữ học chữ Nho khi lên 8 tuổi, học chữ Quốc ngữ khi lên 10. Sau khi anh trai mất, ông được quay trở về Hải Phòng ở với mẹ. Ở Hải Phòng, ông học tư với cha của Vũ Đình Quý, người bạn thân đầu tiên của ông. Ít lâu sau, ông xin vào học lớp Đồng ấu của trường Pháp Việt (Ecole communale) mới mở ở Ngõ Nghè. Năm 1924, ông thi đỗ Sơ học (cepfi), sau đó ốm một năm. Khi đó, mới 17 tuổi, Thế Lữ đã lập gia đình với Nguyễn Thị Khương, người vợ hơn ông 2 tuổi.
Năm 1925, ông vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, học được 3 năm thì bỏ. Những năm học Thành chung, ông chịu tác động từ tinh thần yêu nước của giới học sinh, qua báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về, cũng như từ những thầy giáo như Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo[8]. Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh ở Hải Phòng. Theo Nguyễn Đình Thi, thì đến năm 1930, khi Hội Thanh niên chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Thế Lữ dù tán thành đường lối của Đảng, nhưng do gia đình theo Công giáo nên không thể gia nhập.
Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cũng chỉ một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường[1][8]. Ở trường mỹ thuật, ông chơi thân nhất với những bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc; cùng với Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn... tổ chức một salon littéraire, chuyên thảo luận về văn học.
Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, với những truyện đầu tiên ghi lại những gì ông nghe thấy khi ở Lạng Sơn. Được sự khuyến khích của Vũ Đình Liên, Thế Lữ đã gửi các tác phẩm đầu tay của mình cho Nhà xuất bản Tân Dân, ký thêm bút danh tưởng tượng "Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ" nhằm thu hút sự chú ý. Hai cuốn Một truyện báo thù ghê gớm và Tiếng hú hồn của mụ Ké sau được Vũ Đình Long khen ngợi và cho in ra, điều này cũng đã khuyến khích Thế Lữ rời bỏ trường Mỹ thuật. Một nguyên nhân khác nữa bởi ông bị lao, tuy nhiên sau đó được chữa khỏi bệnh. Từ bỏ con đường hội họa, Thế Lữ bước hẳn sang hoạt động sáng tác văn chương.
Thế Lữ lập gia đình khi mới 17 tuổi với người vợ đầu tên thật Nguyễn Thị Khương, hơn ông hai tuổi. Hai vợ chồng đã có bốn người con, ba trai một gái, đặt tên lần lượt là: Nghi, Tâm, Học, Tùng. Năm 1954, vợ và ba người con sau đã di cư vào miền Nam và sau này mãi đến năm 1979 gia đình Thế Lữ mới đoàn tụ. Người con cả tên Nguyễn Đình Nghi (1928-2001), từng tham gia kháng chiến cùng cha, được cha trực tiếp truyền nghề sân khấu. Nguyễn Đình Nghi ở lại miền Bắc, về sau trở thành một đạo diễn sân khấu nổi tiếng và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1988. Con dâu cả của Thế Lữ, vợ của Nguyễn Đình Nghi - nghệ sĩ ưu tú Mỹ Dung cũng là một diễn viên kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Người vợ thứ hai của Thế Lữ, Song Kim (1913-2008), tên thật Phạm Thị Nghĩa, kết hôn với ông vào cuối năm 1938. Bà say mê sân khấu từ bé, tình cờ làm quen với Thế Lữ và được ông mời đóng vai đầu tiên trong vở Gái không chồng (Đoàn Phú Tứ. Trở thành người bạn đời của Thế Lữ, bà đã gắn bó với ông trong nhiều thập niên sau đó. Sự nghiệp của Song Kim cũng gắn với hoạt động sân khấu của Thế Lữ, được Thế Lữ dìu dắt, bà đã đóng nhiều vai trong các vở kịch do Thế Lữ đạo diễn. Song Kim là một trong những diễn viên tiêu biểu của sân khấu kịch nói Việt Nam thời kỳ đầu, và cùng với Thế Lữ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngay trong đợt đầu tiên. Theo Nguyễn Khoa Điềm, những đồng nghiệp của Song Kim - Thế Lữ đã gọi hai vợ chồng bà là "hai thỏi vàng hiếm hoi, quí giá".
Thế Lữ đã ra mắt khoảng hơn 50 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trước năm 1945 và in trên hai tờ Phong hóa và Ngày nay, sau tập hợp vào hai tập thơ: Mấy vần thơ (1935) và Mấy vần thơ, tập mới (1941, gồm tập thơ cũ được bổ sung thêm một số bài mới). Tập thơ đầu, Mấy vần thơ được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới thời kỳ 1932-1935, với những bài được phổ biến rộng rãi thời kỳ đó. Bảy bài trong tập thơ đã được đưa vào hợp tuyển thơ Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân, gồm có Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng.
Như bút danh "người khách đi qua trần thế" của mình, Thế Lữ được xem là người đầu tiên đề xướng con đường thoát ly bằng nghệ thuật, công khai tuyên bô chỉ đi tìm cái Đẹp. Thơ ông thể hiện niềm say mê với cái Đẹp, đi tìm cái Đẹp ở mọi nơi, ở âm thanh (Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Tiếng gọi bên sông)và cảnh sắc thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Thế Lữ là một thiên nhiên của "một không gian tươi đẹp, rộng mở, rộn ràng sắc màu và thanh âm", là "những bức tranh lộng lẫy và huyền ảo, có khi hùng vĩ uy nghi, có khi thơ mộng bí ẩn". Nhiều bài thơ của Thế Lữ thể hiện hình ảnh cõi tiên, với tiên nga, ngọc nữ, tiếng sáo Thiên Thai, hạc trắng hoa đào... Hoài Thanh nhận định: "Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp đến thế"; tuy nhiên ông cũng cho rằng Thế Lữ đã đi nhầm đường, bởi "thi nhân tưởng quê mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp của trần gian". Vũ Ngọc Phan không tán thành với Hoài Thanh, ông cho rằng cái đẹp tưởng tượng kia của Thế Lữ một ngày nào đó có thể trở thành cái đẹp có thực nơi trần thế. Thơ Thế Lữ cũng thể hiện cảm hứng dồi dào với nghệ thuật và với nàng Thơ, mà theo Uyên Thao, nghệ thuật đã là "một phần cuộc sống", "một người bạn tâm giao" hay được ông coi như "một người yêu" của chính mình.
Nhiều sáng tác thơ của Thế Lữ cũng về đề tài tình yêu. Tình yêu trong thơ Thế Lữ thường thiên về thanh cao, mộng ảo, chứ không say đắm yêu đương hay buông tuồng như các bài thơ mới sau này. Theo Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ không hề có những niềm say mê trong tình yêu. Ông chỉ đi tìm người con gái trong mộng tưởng, vẻ đẹp của người thiếu nữ ấy chợt xuất hiện, thoảng qua và chợt biến mất "như những khoảnh khắc mê say chợt đến". Thơ Thế Lữ thiếu đi cái xúc động, cái mãnh liệt của ái ân đôi lứa như trong thơ của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Theo Hoàng Như Mai, tình yêu trong thơ Thế Lữ không phải để cứu cánh mà là để làm nền để vẽ nên cái Đẹp; ông đã dựng nên nhiều kiểu tình yêu "tiêu cực": mơ hồ, mộng tưởng, vô vọng, đau khổ... Dù vậy, ông không ca ngợi cái đẹp của tình yêu vô vọng đau khổ, mà tìm thấy ở đó những khoảng đẹp của niềm hy vọng, sự hy sinh...
Theo Nguyễn Hoành Khung, thơ Thế Lữ thể hiện "cái tôi" muốn thoát ly với xã hội; ở một số bài thơ (Người phóng đãng, Con người vơ vẩn, Tự trào...), ông tạo dựng hình ảnh một kiểu người tài tử, bất hòa với xã hội, chán ghét cuộc sống trưởng giả, sống ngông nghênh, cô độc và kiêu hãnh. Thơ Thế Lữ nói lên khát khao được sống tự do, thoát khỏi tù túng để đến với thế giới bao la hơn. Bài thơ Nhớ rừng mượn lời con hổ trong vườn bách thảo, được xem là đã diễn tả tâm sự của một lớp người đang đau khổ trong cuộc sống "bị nhục nhằn tù hãm", chán ghét thực tại tầm thường giả dối, nhưng bất lực và chỉ biết chìm đắm vào dĩ vãng oai hùng, thể hiện tư tưởng giải phóng cá nhân và khát vọng tự do; bài Tiếng hát bên sông lại có hình ảnh người "khách chinh phu" dũng cảm gạt tình riêng ra đi trong lúc "non sông mờ cát bụi", thể hiện những ưu ái về thời thế và đất nước của Thế Lữ. Dù muốn thoát ly, nhưng cái tôi của Thế Lữ trong Mấy vần thơ vẫn buồn, chân trời thoát ly còn chưa được mở ra hết. Sau này, trong Mấy vần thơ, tập mới (1941), Thế Lữ đã rơi vào bế tắc, ông làm thơ Trụy lạc, Ma túy, "biểu lộ tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, buông mình trong trụy lạc để tìm quên lãng, nhưng vẫn không nguôi dằn vặt, đau khổ".
Sau khi qua đời, Thế Lữ tiếp tục được ghi nhận như một nghệ sĩ tiên phong, đặc biệt có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới và là "người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta trở thành chuyên nghiệp và có công xây dựng nó trở thành một nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh". Trong lời truy điệu dành cho Thế Lữ, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức phát biểu:
“ Thế Lữ là một trong những người đầu tiên đã đưa kịch nói lên sân khấu Việt Nam. Ông cũng là nhà đạo diễn số một, đầu tiên ở nước ta, là người đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp... Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là Người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam. ”
Ông đã được dựng tượng đặt ở chính giữa Nhà truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam, có tiền thân là Đoàn Kịch nói Trung ương do ông sáng lập. Năm 2001, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu cho hai tác phẩm Cụ đạo, sự ông và Đề Thám, hai vở kịch được ông sáng tác và biểu diễn trong những năm kháng chiến.
Thế Lữ đã được đặt tên cho một số đường phố ở Đà Nẵng, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.